Thứ Ba, 29 tháng 1, 2013

Bạn có chắc mình đã nhẵn mặt "anh Khỉ" Châu Tinh Trì


Chính là Tôn Ngộ Không - Tề Thiên Đại Thánh mà chúng mình ai ai cũng biết! Nhưng có bao nhiêu Mỹ Hầu Vương bạn đã từng nghe tiếng?

Là một trong "Tứ đại danh tác" của văn học cổ điển Trung Hoa, bộ tiểu thuyết Tây Du Ký đối với mỗi thế hệ lại có một sức hút riêng. Những nhà nghiên cứu thì thấy đó là một tác phẩm thấm đẫm tinh thần Phật học, nhưng cũng đã gói gọn một cách tài tình toàn bộ xã hội Trung Hoa vào chặng đường sang Tây Trúc thỉnh kinh. Khán giả nhí thì chỉ thấy đó là bộ truyện thú vị với Đường Tăng nhân từ, Bát Giới ham ăn, Sa Tăng hiền lành và đặc biệt là "anh Khỉ" Tôn Ngộ Không thần thông quảng đại. Nhiều khán giả chỉ biết tới Tây Du Ký 1986 - kiệt tác truyền hình Trung Quốc. Tuy nhiên, số lần được lên phim của Mỹ hầu vương sẽ khiến bạn phải ngạc nhiên đấy.


Tây Du Ký đã thu hút rất nhiều nhà làm phim cả trong và ngoài nước

Lục Tiểu Linh Đồng (Tây Du Ký 1986)



Lục Tiểu Linh Đồng - Tôn Ngộ Không bằng xương bằng thịt

Đây cũng chính là hình ảnh đầu tiên mỗi chúng ta nhớ đến khi nói về Tề Thiên Đại Thánh. Là người đầu tiên gắn bó với vai diễn này và đưa nó lên màn ảnh nhỏ, Lục Tiểu Linh Đồng chính là một Mỹ hầu vương bằng xương bằng thịt. Từ ánh mắt tinh nhanh, sự hiếu động như trẻ con đến tính cách trượng nghĩa, ngay thẳng, tất cả đều quá tuyệt vời. Cả về tạo hình lẫn diễn xuất, không thể tìm ra bất cứ khiếm khuyết nào của Tôn Ngộ Không phiên bản Lục Tiểu Linh Đồng. Vai diễn này đã trở thành huyền thoại, gắn liền với tên tuổi diễn viên huyền thoại. Chỉ duy nhất một từ có thể miêu tả về Tề Thiên Đại Thánh này: hoàn mỹ.

Trương Vệ Kiện (Tề Thiên Đại Thánh)



Trương Vệ Kiện - Tề Thiên Đại Thánh hài hước

Chỉ xếp sau Tôn Ngộ Không của Lục Tiểu Linh Đồng, vai diễn của Trương Vệ Kiện trong Tề Thiên Đại Thánh cũng nhận được nhiều tình cảm yêu mến từ phía khán giả. Tôn Ngộ Không của Trương Vệ Kiện có nhiệm vụ chính là đem lại những tràng cười sảng khoái cho khán giả. Và sự thật, Trương Vệ Kiện đã hoàn thành rất tốt vai trò này. Tuy có một vài cảnh bị chê là đùa cợt quá lố, làm mất "hình tượng" của "anh Khỉ", thì diễn xuất của Trương Vệ Kiện không có gì đáng chê trách. Một điểm trừ nho nhỏ của phiên bản này chính là tạo hình của Trương Vệ Kiện không được "khỉ" cho lắm.

Châu Tinh Trì (Đại thoại Tây Du)



Châu Tinh Trì - Hầu vương giống... cáo

Được thực hiện vào thời kỳ kỹ thuật hóa trang còn khá hạn chế, vai diễn Mỹ hầu vương của Châu Tinh Trì bị nhận xét là giống... cáo hơn là khỉ. Đây cũng không phải là vai diễn nổi bật của "vua hài", thậm chí còn khá mờ nhạt, không tạo được nhiều dấu ấn nếu đem ra so sánh với nhiều "siêu phẩm" khác. Vì vậy, mặc dù Đại thoại Tây du rất được yêu thích nhưng không mấy ai còn nhớ nhiều về Tôn Ngộ Không phiên bản Châu Tinh Trì.

Lý Liên Kiệt (Kungfu chi vương)






Lý Liên Kiệt - "anh Khỉ" bắng nhắng và trượng nghĩa
Trong Kungfu chi vươngLý Liên Kiệt đảm nhận cả 2 vai: Tề Thiên Đại Thánh đang bị giam cầm và Mặc Tăng trên đường đi hoàn trả cây Thiết bảng. Vì chỉ là vai phụ trong phim nên vai diễn Tôn Ngộ Không cũng không được chăm chút nhiều. Tuy nhiên, Lý Liên Kiệt tỏ ra khá phù hợp với hình tượng Tề Thiên Đại Thánh."Bật Mã Ôn" của nam diễn viên này cũng khá... bắng nhắng nhưng không kém phần hào hiệp, trượng nghĩa, sẵn sàng ra tay trừ gian diệt bạo.

Ngô Việt (Tân Tây Du Ký phiên bản Trương Kỷ Trung)






Ngô Việt - Tôn Ngộ Không bị "ném đá" nhiều nhất
Diễn viên Ngô Việt chính là Tôn Ngộ Không bị "ăn đá" nhiều nhất từ trước đến nay. Đảm nhận vai diễn quan trọng nhất nhì bộ phim, lại là tác phẩm của giám chế nổi danh Trương Kỷ TrungNgô Việt chưa kịp mừng thì đã phải hứng chịu vô số những lời nhận xét khiếm nhã về vai diễn của mình. Chủ yếu những lời chê bai này đến từ các fan của Tây Du Ký 1986. Họ chỉ trích Tôn Ngộ Không mới này rất nhiều, từ tạo hình, khí chất cho đến những chi tiết thay đổi xung quanh nhân vật. Mặc dù vậy, giám chế Trương Kỷ Trung vẫn rất tự tin vào lựa chọn của mình.

Phí Chấn Tường (Tân Tây Du Ký phiên bản Chiết Giang)



Phí Chấn Tường - "Bật Mã Ôn" bình lặng

Nếu nói về những chi tiết thay đổi liên quan đến "Bật Mã Ôn" thì Tân Tây Du Ký phiên bản Chiết Giang còn "mạnh tay" hơn Trương Kỷ Trung. Trong phiên bản Chiết Giang, cả 4 thầy trò Đường Tăng đều có những tình cảm trần tục, dù chỉ là trong phút chốc. Tôn Ngộ Không (Phí Chấn Tường) có mối tình thoảng qua với Bạch Điểu Tinh - là nguyên nhân khiến cô ta ôm hận mà biến thành Bạch Cốt Tinh khét tiếng độc ác. Tuy nhiên Phí Chấn Tường lại yên ổn hơn bạn đồng nghiệp Ngô Việt khi không ai "đả động" đến nam diễn viên này. Có lẽ vì Đài truyền hình Chiết Giang "kín miệng" hơn Trương Kỷ Trung chăng?

Khi Mỹ hầu vương "xuất ngoại"
Không chỉ "đắt hàng" với nhà làm phim Hoa ngữ, các đạo diễn nước ngoài cũng không thể cưỡng lại được sức hút của Mỹ hầu vương. Bằng chứng là Tây Du Ký đã 3 lần được điện ảnh ngoại quốc dàn dựng thành phim: Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc. Tuy nhiên, sự "năng động" và sức "sáng tạo" của các nhà làm phim tại 3 quốc gia này đã vượt ngoài sức tưởng tượng. Nếu như tác giả Ngô Thừa Ân còn sống hẳn ông cũng phải "mắt tròn mắt dẹt" trước những phiên bản phim không có xuất xứ Trung Hoa.



Shingo Katori - Mỹ hầu vương phiên bản Nhật


...và vị nữ sư phụ Đường Tăng

Phiên bản Nhật của Tây Du Ký có tên Saiyuuki (cũng có ý nghĩa là Tây Du Ký trong tiếng Trung). Vai diễn nặng ký Tôn Ngộ Không do nam diễn viên Shingo Katori đảm nhận. Tạo hình của Shingo Katori không đẹp nổi bật, diễn xuất cũng chỉ được đánh giá là "thường thường bậc trung" - đủ để những khán giả dễ tính chấp nhận. Điều đáng bàn ở phiên bản này chính là nhân vật Đường Tăng. Biên kịch của Saiyuuki đã "mạnh dạn" chuyển đổi vai diễn này thành... nữ nhi - một cô nương mặt hoa da phấn.




Tôn Ngộ Không phiên bản "tóc vàng mắt xanh"
Các nhà làm phim của đài NBC (Hoa Kỳ) thì thử sức cùng "đại danh tác" Trung Hoa với bộ phim truyền hình The Monkey King (tên khác The Lost Empire). Đây cũng chính là phiên bản khiến cho khán giả Trung Quốc phẫn nộ nhất. Một lần nữa, nguyên nhân không nằm ở nhân vật quan trọng Tôn Ngộ Không. Diễn viên Russel Wong thể hiện một Tôn Ngộ Không với ngoại hình khá giống... sư tử. Bù lại, anh cũng đã cố gắng diễn tròn vai và nhận được một số lời khen của khán giả Mỹ.


Đường Tăng (trái) và Quan Âm bồ tát (giữa) là... cặp tình nhân
Điều khiến cho khán giả Hoa ngữ cực kỳ tức giận chính là việc biên kịch của The Monkey King biến Đường Tăng và Quan Âm bồ tát thành... một cặp tình nhân hiện đại. Tất nhiên người xem không quá so đo việc Đường Tăng là một thanh niên mắt xanh tóc vàng - đó là điều gần như tất yếu đối với phiên bản Hoa Kỳ. Nhưng việc để cho Đường Tăng mặc... quần jeans và sơ mi rất đúng mốt thì có vẻ đã đi quá giới hạn. Đỉnh điểm chính là những cảnh tình cảm giữa Đường Tăng và Quan Âm bồ tát - điều mà các khán giả Trung Quốc cho là xúc phạm nguyên tác và phỉ báng Phật giáo.




Hầu vương đến từ xứ sở kim chi
Phiên bản nước ngoài ít gây sóng gió hơn cả có lẽ là bộ phim đến từ xứ sở kim chi có tên Mỹ hầu vương trở lại. Đây là một bộ phim điện ảnh hài hước, đặt bối cảnh ở thời hiện đại. Chính vì thế, tạo hình khá kỳ cục và tức cười của Tôn Ngộ Không - Kim Byung Man cùng 2 đồ đệ chỉ khiến khán giả cười xòa, không chỉ trích gì nhiều. Nam diễn viên hài Kim Byung Man đã "sắm" cho nhân vật của mình một bộ cánh khá sành điệu. Đây cũng là "anh Khỉ" duy nhất không bị tổ hóa trang... gắn lông.

Một vài phiên bản Tôn Ngộ Không đáng chú ý khác:




Trần Hạo Dân (Tôn Ngộ Không đằng vân giá thủy)...


...và Hà Quýnh (Hy Du Ký) cạnh tranh danh hiệu "Tôn Ngộ Không điển trai nhất"


Chân Tử Đan (Đại náo thiên cung) - Tôn Ngộ Không phiên bản 3D sẽ ra mắt vào năm 2012 tới.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét